chuyện đọc

#4. [tháng này đọc gì] – Deep Work

sách deepwork
(hình lấy từ web của amazon)

Trong nỗ lực biến bản thân không trở thành một củ khoai tây lười biếng trong giai đoạn nghỉ lễ thì có viết lại mấy dòng dưới đây, sau khi đọc xong cuốn Deep Work của Cal Newport.

Đến với cuốn sách này trong khoảng thời gian nhận ra có những đoạn mình thực sự khó tập trung hoàn toàn vào việc làm việc, ở một số khoảng thời gian nhất định trong ngày (hoặc cả ngày) . Như tác giả có viết một ý trong sách, đại để rằng: “Trong giới kinh doanh, nhiều ý tưởng khác đang được ưu tiên ở vị trí quan trọng hơn là làm việc sâu, trong đó bao gồm sự phối hợp ngẫu hứng, trao đổi thông tin nhanh chóng, và sự hiện diện tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội. Có quá nhiều xu hướng được ưu tiên hơn làm việc sâu đã đủ tệ rồi, việc nhiều xu hướng trong đó tích cực làm giảm khả tăng tập trung chuyên sâu còn góp phần làm mọi việc tệ hơn.”

Rõ ràng là có quá nhiều thứ trong thời đại số kéo chúng ta ra khỏi sự tập trung: các platform SNS, các notification thông báo rằng bạn check và reply tin nhắn ngay, nhu cầu được chú ý và kết nối với mọi người, những bài post thú vị trên Facebook/Instagram… Tất cả đều (có vẻ) hấp dẫn hơn việc phải tập trung vào làm những việc đòi hỏi trí não phải hoạt động nhiều hơn, suy nghĩ và đốt cháy nhiều noron thần kinh hơn, đi ra khỏi lối mòn tư duy quen thuộc để tìm ra hướng giải quyết cho các vấn đề và công việc mới.
Nói một cách ngắn gọn thì chính là: nếu không thể tập trung sâu học hỏi, bạn sẽ không thể lớn mạnh và tạo ra một bản thân tốt hơn, với nhiều giá trị hơn.


Sách được tác giả Cal Newport chia ra làm hai phần lớn chính: Ý tưởng về việc làm việc sâu và Các quy tắc nên tuân theo để có thể luyện tập và duy trì khả năng làm việc sâu.


Tác giả không nhảy ngay vào việc nêu những quy tắc và kỹ thuật làm việc sâu mà có một khởi đầu khá chậm rãi. Dẫn dắt và giải thích cho người đọc ý nghĩa và giá trị của việc làm việc, qua câu chuyện của những nhân vật nổi bật như Nate Silver hay David Heinemeier Hansson…. hoặc cẩn thận phân tích giá trị của làm việc sâu dưới cả ba quan điểm thần kinh, tâm lý và triết học.
Có một số ý kiến cho rằng chương này nên được rút ngắn lại để có thể đọc nhanh và nắm bắt được tinh thần của quá trình làm việc sâu nhanh hơn, nhưng có thể nhờ lối viết chậm rãi cùng việc phân tích chi tiết, rõ ràng mới khiến cá nhân mình chấp nhận được những lý do, cùng dẫn chứng tác giả đưa ra để đi đến hứng thú tìm hiểu chương tiếp theo, rằng, làm thế nào để áp dụng và hiện thực hóa khái niệm làm việc sâu.

Bốn quy tắc lớn trong chương tiếp theo mà Cal Newport đưa ra là: Quy tắc làm việc sâu, Tận dụng sự buồn chán, Thoát khỏi truyền thông và Loại bỏ những thứ hời hợt.
Ở mỗi quy tắc một đều ghi cụ thể không chỉ một mà nhiều phương pháp, cùng với gợi ý. Có thể là với ngụ ý giúp người đọc tìm được phương pháp phù hợp với bản thân mình nhất. Vì công thức thành công với người này, cũng chưa chắc đúng khi áp vào người khác, nên việc ra một công thức phù hợp với bản thân mình trong vô số phương pháp ngoài kia cũng không phải là chuyện đơn giản.

Có một số đoạn trong sách mình đặc biệt thích như chuyện có quan điểm cho rằng các nghệ sĩ làm việc theo cảm hứng nhưng chờ đợi cảm hứng xuất hiện là một kế hoạch tồi tệ (chắc vì đối với việc dịch sách, mình thường xuyên là người viện cớ chờ cảm hứng xuất hiện rồi mới bắt tay vào làm nên rất hay không đảm bảo deadline, hoặc càng gần đến deadline thì càng khủng hoảng, stress vì không có kế hoạch khoa học, không đảm bảo được tiến độ nên cảm thấy đồng cảm sâu sắc), hoặc chương tác giả viết về việc làm việc sâu có ý nghĩa được phân tích qua ba quan điểm (đã nêu ở trên), Cal Newport có nói quá trình và nỗ lực trong kỹ năng và giá trị nội hàm ở nghề thủ công – chứ không phải từ thành quả của công việc đó, cũng làm mình nhìn nhận lại chuyện bản thân luôn phủ nhận toàn bộ quá trình cố gắng nếu kết quả không được như mong đợi.

Mình nghĩ cuốn sách khá phù hợp cho những ai đang muốn tìm thêm nguồn động lực, cũng như phương pháp làm thế nào để bản thân trở nên năng suất hơn, có giá trị hơn, tìm kiếm những phương pháp và cách thức để bản thân hình thành những thói quen mới tốt hơn, trong một thế giới có quá nhiều điều khiến chúng ta dễ dàng bị sao lãng.

(Tokyo – 2020.05.05)